Chiến tranh thế giới thứ nhất và bá quyền ở Trung Quốc Thời_kỳ_Đại_Chính

Chiến tranh thế giới thứ nhất cho phép Nhật Bản, một nước thuộc phe Đồng minh chiến thắng, mở rộng ảnh hưởng ở châu Á và thu được các vùng lãnh thổ mới ở vùng xích đạo phía bắc Thái Bình Dương. Nhật Bản tuyên chiến với Đức vào ngày 23 tháng 8 năm 1914 và nhanh chóng chiếm các vùng lãnh thổ thuộc Đức như vùng Sơn Đông của Trung Quốc, quần đảo Mariana, quần đảo Caroline, quần đảo Marshall các đảo khác ở bắc Thái Bình Dương. Vào ngày 7 tháng 11, Giao Châu đã đầu hàng Nhật Bản.

Cùng với các đồng minh phương Tây tham chiến nhiều ở châu Âu, Nhật Bản đã tìm cách củng cố vị thế của mình ở Trung Quốc bằng cách trình bày Hai mươi mốt yêu sách (tiếng Nhật: 対華二十一ヶ条要求; tiếng Trung: 二十一条) với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào tháng 1 năm 1915. Bên cạnh việc mở rộng quyền kiểm soát đối với các lãnh thổ thuộc Đức, Mãn ChâuNội Mông, Nhật Bản cũng tìm cách sở hữu chung một tổ hợp khai thác và luyện kim lớn ở miền trung Trung Quốc. Nhật cũng cấm Trung Quốc nhượng lại hoặc cho thuê bất kỳ khu vực ven biển nào cho một cường quốc thứ ba. Cùng với các biện pháp kiểm soát chính trị, kinh tế và quân sự khác mà nếu đạt được, Nhật Bản sẽ đặt Trung Quốc dưới sự bảo hộ của mình. Trước các cuộc đàm phán chậm chạp với chính phủ Trung Quốc cộng với tâm lý bài Nhật ở Trung Quốc lan rộng và sự lên án của quốc tế, Nhật Bản buộc phải rút gọn các yêu cầu và hiệp ước cuối cùng được ký vào tháng 5 năm 1915.

Bá quyền của Nhật Bản ở miền bắc Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á đã được tạo điều kiện thông qua các thỏa thuận quốc tế khác. Một thỏa thuận với Nga vào năm 1916 đã giúp bảo đảm hơn nữa ảnh hưởng của Nhật Bản ở Mãn Châu và Nội Mông, và các thỏa thuận với Pháp, Anh và Hoa Kỳ vào năm 1917 đã công nhận lợi ích lãnh thổ của Nhật Bản ở Trung Quốc và Bắc Thái Bình Dương. Các khoản vay Nishihara (được đặt theo tên của Nishihara Kamezo, đại diện của Tokyo tại Bắc Kinh) vào năm 1917 và 1918 nhằm hỗ trợ chính phủ Trung Quốc, đưa Trung Quốc vào tình trạng nợ nần với Nhật Bản. Đến cuối cuộc chiến, Nhật Bản hoàn thành các đơn đặt hàng vật tư chiến tranh cần thiết của các đồng minh châu Âu ngày một nhiều, do đó giúp đa dạng hóa ngành công nghiệp nước này, tăng xuất khẩu và lần đầu tiên biến Nhật Bản từ quốc gia con nợ thành quốc gia chủ nợ.

Sức mạnh của Nhật Bản ở châu Á đã tăng lên sau sự sụp đổ của chính phủ Đế quốc Nga vào năm 1917 sau Cách mạng Bolshevik. Muốn nắm bắt cơ hội, quân đội Nhật đã lên kế hoạch chiếm Siberia xa về phía tây đến Hồ Baikal. Để làm như vậy, Nhật Bản đã phải đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc cho phép quá cảnh quân đội Nhật qua lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù lực lượng đã được thu nhỏ lại để tránh sự phản đối của Hoa Kỳ, hơn 70.000 lính Nhật đã gia nhập các đơn vị nhỏ hơn nhiều của Lực lượng viễn chinh Đồng minh gửi đến Siberia vào tháng 7 năm 1918 như một phần của việc Đồng minh can thiệp vào cuộc Nội chiến Nga.

Vào ngày 9 tháng 10 năm 1916, Terauchi Masatake đã đảm nhận vị trí thủ tướng từ Ōkuma Shigenobu. Vào ngày 2 tháng 11 năm 1917, Thỏa thuận Lansing-Ishii giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã công nhận lợi ích của Nhật Bản tại Trung Quốc và cam kết giữ một "Chính sách mở cửa" (門戸開放政策). Vào tháng 8 năm 1918, các cuộc bạo loạn đã nổ ra ở các thị trấn và thành phố trên khắp Nhật Bản.